Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi

0
1006
Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi
Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi

Nếu như những tuần trước đây, bạn đã rất vất vả chăm sóc bé mà chưa nhận được phản hồi nào từ bé thì bắt đầu khi trẻ 2 tháng tuổi, bé sẽ có chút thay đổi tích cực hơn. Bé 2 tháng tuổi sẽ có những biểu hiện trên gương mặt như cười, cựa quậy nhiều hơn khi nghe bạn nói chuyện.

Những lúc nhìn thấy nụ cười của con trẻ, tim bạn chắc hẳn sẽ rộn ràng vì vui sướng. Ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm nuôi trẻ trước đây, bản năng cũng sẽ giúp bạn có cách riêng để nói chuyện với bé.. Bạn nên nhớ rằng giao tiếp bằng ánh mắt với bé là hết sức cần thiết. Hãy nhẹ nhàng nói chuyện với bé kèm theo những ánh mắt, nụ cười biểu cảm trên khuôn mặt khi bé cười với bạn. Đó có thể được coi là những giao tiếp đầu tiên giữa bố mẹ và bé.

Cho bé 2 tháng tuổi ăn
Con của bạn có thể sẽ có những biểu hiện đòi ăn nhiều hơn khi bước vào tháng này. Hãy chiều theo ý bé và cho bé ăn khi nào bé muốn. Nếu bạn cho bé bú sữa mẹ, tốt hơn bạn nên cho bé thay phiên bú đều cả 2 bên bầu ngực thay vì chỉ một bên.

Có thể bé sẽ cần cho bú cả ban đêm, nhưng vì ở những tuần này bé ngủ nhiều nên mỗi lần cho bú như thế có thể cách nhau 5-6 tiếng. Đây cũng là cơ hội để bạn có thể được ngủ bù lấy lại sức sau những tuần đầu mệt mỏi.

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
Hãy quan sát những hình thức ngủ khác nhau của bé trong tháng này. Bé có thể ngủ bất cứ đâu và trung bình mỗi giấc ngủ kéo dài từ 1-3 tiếng. Thông thường trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi sẽ có dấu hiệu buồn ngủ khoảng 30 phút đến một giờ sau khi ăn và đây là thời điểm thích hợp đặt bé vào võng hoặc nôi ru cho bé ngủ. Tổng thời gian ngủ trong 1 ngày có thể thay đổi nhưng trung bình ngủ khoảng từ 9-18 giờ được coi là bình thường ở độ tuổi này.

Biểu hiện tính tình của bé 2 tháng tuổi
Nhiều bé trở nên khóc nhiều khi được 2 tháng tuổi, điều này hầu hết làm cho các ông bố bà mẹ đều rất lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé khóc ngay cả khi mọi nhu cầu của bé đều được đáp ứng. Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi về mặt hệ thần kinh, dưới nhiều tác nhân kích thích, việc cảm thấy khó chịu hay đơn giản muốn được chú ý là những nguyên nhân thường xuyên làm cho bé khóc.

Những tháng đầu, sẽ có những lần bạn phải để ý và làm theo bản năng những gì bạn thấy hợp với nhu cầu của trẻ. Nếu những yêu cầu đó là đúng thì hãy ôm vỗ về dỗ dành bé rồi sau đó làm cho bé thấy dễ chịu hơn.

Các cột mốc phát triển của trẻ 2 tháng tuổi
Những phản xạ theo vô thức và bản năng của con bạn sẽ nhanh chóng biến mất ở thời gian này và thay vào đó là những phản xạ có điều kiện tùy thuộc vào xung quanh.Hãy đảm bảo rằng bạn có những đồ chơi nho nhỏ nhưng an toàn để bé có thể tựchơi một mình được. Đây cũng là thời gian con của bạn tự khám phá và đùa nghịch với tay, chân của mình và điều này sẽ làm bé thích thú hơn nhiều. Vì bé còn quá nhỏ để nhận ra những thứ xung quanh khác nên chỉ cảm thấy thích thú khi nhìn thấy tay chân mình đưa qua đưa lại trước mắt.

Những giai đoạn phát triển của bé 2 tháng tuổi

Trẻ 2 tháng tuổi cũng là thời gian thị lực con bạn phát triển hơn, bé đã có thể dõi nhìn theo bạn. Mỗi lần như thế hãy nhìn và mỉm cười lại với bé. Cầm đồ chơi trên tay đưa trước mặt bé và quan sát cách bé nhìn đồ vật ấy, nếu bạn phát hiện bé có dấu hiệu mắt bị lệch, lác hoặc các vấn đề khác về mắt hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Thị giác phát triển rất nhanh trong những năm đầu nên việc phát hiện sớm và điều trị những bệnh về mắt sẽ có kết quả tốt hơn.

Con bạn dường như sẽ lớn và tăng cân rất nhanh trong tháng thứ hai này, trung bình khoảng 150-200 gr mỗi tuần. Đừng quá lo lắng nếu bé tăng cân nhiều vào tuần này và ít vào tuần tiếp theo. Cân nặng chỉ phản ánh một phần của sự phát triển. Sự thoải mái và những biểu hiện bên ngoài của bé cũng thể hiện quan trọng không kém những chỉ số về cân nặng, chiều cao của bé. Bạn nên nhìn vào cân nặng và sự phát triển của bé trong thời gian vài tuần liên tiếp chứ không nên chỉ theo dõi từng tuần riêng biệt.

Tiêm chủng phòng vắc xin cho bé 2 tháng tuổi
Đây là thời gian con bạn cần phải được tiêm phòng vắc xin. Hãy đánh dấu ngày này trong lịch hoặc nhật kí của bạn khi con bạn bước qua tháng thứ hai. Có rất nhiều các trung tâm y tế tiêm phòng tiêm miễn phí vào một ngày nhất định của tháng, bạn có thể đưa bé đển đó hoặc bác sĩ riêng nếu cần. Và đừng quên mang theo sổ tiêm phòng vắc xin cho bé để ghi lại ngày tiêm và ngày cần tiêm mũi nhắc lại cho bé lần tới.

Giữ an toàn cho bé 2 tháng tuổi
Nếu bạn có nuôi thú nuôi trong nhà, tốt nhất là nên để tránh xa bé. Luôn để mắt tới bé, không nên để bé ở những nơi không quan sát được hoặc không an toàn. Bé còn quá nhỏ và có thể té ngã. Nhìn qua trước những nơi bạn đặt bé nằm chơi, xem thử có những vật nhỏ gì bé có thể lấy chơi và đảm bảo đồ chơi của bé tròn, mềm và không có những cạnh nhọn nguy hiểm.

Chơi và giao tiếp với bé 2 tháng tuổi
Quan sát cách con bạn phản ứng với những tiếng ồn xung quanh. Nếu bé nhảy lên hoặc giật mình, điều đó chứng tỏ thính giác của bé bình thường. Hầu hết các trẻ sơ sinh sẽ có bài kiểm tra thính giác lúc mới sinh và nếu có vấn đề sẽ được xem xét khám lại. Nếu bạn nghi ngờ con mình có vấn đề với tai, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra kịp thời.

Các bà mẹ cần làm gì vào tháng này?
Hãy dành thời gian vài giờ trong ngày để tự chăm sóc và làm cho mình thoải mái. Đây cũng là thời gian bạn bắt đầu nên nghĩ tới chuyện tập luyện để lấy lại vóc dáng sau khi sinh. Hãy tìm những bài tập nhẹ nhàng, không làm bạn mất quá nhiều sức khi tập lại. Đi bộ, bơi lội, tập yoga, tập thể dục hằng ngày là những bài tập tốt cho vóc dáng mà không tốn quá nhiều sức lực.

Nếu bạn đang cho con bú thì chú ý những bài tập quá nặng có thể làm giảm lượng sữa. Nếu bạn muốn chạy bộ, bạn nên mặc loại áo ngực chắc, bảo vệ được ngực của bạn giảm thiểu sự nảy của ngực. Nếu bạn có vấn đề về tiểu dầm, chạy bộ hoặc những bài tập nặng nề có thể không thích hợp.

Nếu bạn chưa kiểm tra về các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt thì đây là thời điểm thích hợp để làm chuyện này. Kinh nguyệt và âm đạo của bạn sẽ phục hồi và trở về trạng thái bình thường như trước khi sinh. Nhiều bà mẹ nói rằng họ quá bận không có thời gian làm việc này tuy nhiên việc kiểm tra này là rất quan trọng với các bà mẹ. Đây cũng là lúc thích hợp để bạn hỏi bác sĩ phụ khoa của bạn về các biện pháp tránh thai phù hợp.

Cảm xúc của bạn
Nhiều bà mẹ cảm thấy rằng mình mệt mỏi và chịu đựng một mình, đặc biệt là khi họ có những đứa con lớn khác. Đó là biểu hiện bình thường khi thấy quá mệt hoặc kiệt sức, ngay cả khi sau vài giấc ngủ hồi phục. Khi trẻ được 2 tháng tuổi cũng đến lúc các ông bố phải đi làm lại sau khi nghỉ một thời gian.

Hầu hết người mẹ đóng vai trò chủ yếu trong việc chăm sóc trẻ nhỏ vào những năm đầu. Nếu bạn trước đây đã rất bận rộn trong công việc thì việc chuyển sang chăm sóc trẻ hoàn toàn ở nhà sẽ ảnh hưởng đến tâm lý bạn. Cố gắng đừng cô lập mình với bạn bè và những mối quan hệ cũ. Nó rất quan trọng để bạn cảm thấy tốt hơn về mặt tinh thần và thấy không cô đơn trong thời gian này.

Tự chăm sóc bản thân
Nếu bạn thấy tóc mình rụng nhiều, đừng quá thất vọng. Trong thời gian mang thai, tóc ở trạng thái duy trì và ít rụng hằng ngày. Nội tiết tố ảnh hưởng vào cuối thời kì mang thai sẽ làm nhiều bà mẹ rụng tóc nhiều hơn bình thường. Đừng quá lo lắng, mọi việc sẽ trở lại bình thường sau vài tháng.

Chăm sóc răng và nướu ngay từ bây giờ, đừng xao lãng vấn đề về răng miệng ngay cả khi bạn không có thời gian thì việc chăm sóc răng miệng cũng vẫn rất quan trọng và cần được chú ý. Bố mẹ có thể truyền vi khuẩn cho bé khi ôm hôn nếu bị sâu răng hoặc có các vấn đề về răng miệng. Đó là cách bảo vệ chính bạn và con bạn.

Giấc ngủ của bạn
Bạn nên cố gắng ngủ đủ giấc trong thời gian này. Vì có thể phải cho bé 2 tháng tuổi ăn ban đêm nên bạn cần tranh thủ ngủ trong những giấc ngủ dài của bé. Bạn có thể ngủ sớm ngay cả khi chỉ mới 8 giờ tối, nên tranh thủ nghỉ ngơi để lấy lại sức. Giấc ngủ sâu vài giờ sẽ giúp bạn phục hồi sức khỏe nhanh hơn và bạn nên biết cách quản lý tốt để đảm bảo giấc ngủ cho mình.

Đời sống vợ chồng
Đời sống vợ chồng của bạn có thể bị dừng trong vài tháng trước đây. Sau khi sinh con, sự mệt mỏi về thể chất sẽ làm cho bạn giảm sự hứng thú trong chuyện chăn gối. Tuy nhiên hãy trở lại khi cả hai đã thực sự sẵn sàng. Điều đó cũng rất cần trong việc giữ hạnh phúc gia đình bạn.

Và chú ý rằng bởi vì bạn vừa mới có em bé không có nghĩa là bạn không có khả năng mang thai tiếp tục. Do đó, hãy xin ý kiến bác sĩ hoặc nữ hộ sinh để có những biện pháp tránh thai thích hợp.

Previous articleSự phát triển của trẻ 1 tháng tuổi
Next articleSự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi