Đột quỵ là gì? Nguyên nhân nào gây ra đột quỵ? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa đột quỵ

0
573

Đột quỵ là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời và đây được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. Đáng lo ngại hơn, nguy cơ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, bệnh thậm chí xuất hiện ở cả những người độ tuổi 20, 30.

1- Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (stroke) còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất.

Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm.

Có 2 loại đột quỵ chính: đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết.

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 90% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não, xảy ra khi động mạch não người bệnh bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn khiến cho máu không thể lưu thông hoặc lưu thông kém.
  • Đột quỵ do xuất huyết: Là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt vào nhu mô não gây xuất huyết não.

2- Nguyên nhân nào gây ra đột qụy

Nguyên nhân gây ra đột quỵ?

Đột quỵ là tình trạng chết đột ngột của các tế bào não do thiếu oxy, gây ra bởi sự tắc nghẽn lưu lượng máu hoặc vỡ động mạch máu não.Nguyên nhân chính gây ra đột quỵ được cho là do xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố nguy cơ như là:

  • Người bị các bệnh lý tim mạch như: hở van tim, rung tâm nhĩ, nhịp tim không đều, suy tim,….
  • Người bị tăng huyết áp.
  • Người bị tiểu đường.
  • Người bị rối loạn Lipid máu.
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã từng bị đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua hoặc bệnh tim.
  • Thói quen sinh hoạt lạm dụng các chất kích thích như: uống nhiều rượu, sử dụng ma túy.
  • Người hút thuốc lá chủ động hoặc hít phải khói thuốc lá thụ động, gặp tình trạng khói thuốc lá dẫn đến mỡ tích tụ trong động mạch, tăng nguy cơ máu đông.
  • Người thừa cân, béo phì, ít vận động tập thể dục.
  • Chế độ ăn uống không hợp lý, lượng Cholesterol cao.
  • Về tuổi tác, người trong nhóm tuổi từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn.
  • Phụ nữ có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn so với nam giới.
  • Việc sử dụng thuốc tránh thai hay các liệu pháp điều chỉnh hormone, thay đổi nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh.

3- Dấu hiệu đột quỵ

Các triệu chứng báo hiệu đột quỵ thường không kéo dài vì thế khi phát hiện bất kể một biểu hiện bất thường nào của người bệnh thì không nên chủ quan, mà hãy thực hiện việc cấp cứu kịp thời.

Nhiều nước trên thế giới hiện đưa ra chữ “FAST”, để phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ. “FAST” có nghĩa là nhanh (phản ứng tức thời), đồng thời là chữ viết tắt của Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).

FAST đột quỵ.

F- Face (Khuôn mặt): Dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị tê cứng 1 bên hoặc cả khuôn mặt, và nụ cười bị méo. Nếu nghi ngờ hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể thấy rõ hơn.

A- Arm (Tay): Tay bị liệt, cũng có thể có diễn tiến từ từ như tê một bên tay, vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác. Ngoài tay còn có một số dấu hiệu ở chân như nhấc chân không lên, đi rớt dép,….

S- Speech (Lời nói): Rõ nhất là một số người đột quỵ bị “á khẩu” hay nói ngọng-đớt.

T- Time (Thời gian): Khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng phương tiện phù hợp. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao, ngược lại đưa đến bệnh viện càng trễ thì càng có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra có những triệu chứng ở người bị đột quỵ có thể kể đến như:

  • Lẫn lộn, sảng, hôn mê;
  • Thị lực giảm sút, hoa mắt;
  • Chóng mặt, người mất thăng bằng, không thể đứng vững;
  • Đau đầu;
  • Buồn nôn, nôn ói,…

Người bị đột quỵ có thể có một vài dấu hiệu trên. Tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện, có thể là trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới.

Những dấu hiệu đột quỵ có thể đến và qua đi rất nhanh. Bạn cần lắng nghe cơ thể, khi thấy các dấu hiệu này xuất hiện cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra. Thời gian “vàng” cho bệnh đột quỵ là 60 phút, mỗi phút qua đi, mức độ tổn thương của hệ thần kinh càng nghiêm trọng.

4- Làm sao để ngăn ngừa đột quỵ?

Dưới đây là 6 cách phòng chống đột quỵ cực đơn giản. Chỉ bằng việc thay đổi thói quen sống hàng ngày, bạn đã có thể “đẩy lùi” căn bệnh này.

4.1 Dinh dưỡng hợp lý

Dinh dưỡng hợp lý.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và cân đối sẽ giúp giảm thiểu các tác nhân gây nên đột quỵ. Tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất là 4 nhóm dưỡng chất cần có trong khẩu phần ăn. Theo đó, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn, không ăn quá nhiều 1 nhóm chất và cần kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể để tránh tình trạng thừa cân. Bên cạnh đó là không bỏ bữa, giảm ăn mặn, hạn chế sử dụng các chất kích thích nhằm ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện các tác nhân gây đột quỵ.

4.2 Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục đều đặn.

Tập thể dục giúp lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn, ngăn ngừa tai biến. Không chỉ vậy, tập thể dục còn là cách đơn giản để nâng cao sức khỏe. Tùy vào quỹ thời gian cá nhân, mỗi người có thể chọn cho mình chế độ tập thể dục hợp lý, tối thiểu 5 lần/tuần, 30 phút/lần tập. Dành cho người cao tuổi sẽ có các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập thiền/thở, dưỡng sinh… Với những người trẻ, có thể lựa chọn các môn thể thao có cường độ cao hơn như chạy, tập gym, nhảy dây, aerobics, cử tạ… tùy theo thể trạng.

4.3 Giữ ấm cơ thể

Giữ ấm cho cơ thể.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh chiếm đến 70 – 80%, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì vào mùa lạnh, cơ thể tăng tỷ lệ tiết hormone catecholamine gây cao huyết áp, dẫn đến dễ đột quỵ.

Để phòng ngừa tai biến đột quỵ, mọi người – nhất là người trung niên và người cao tuổi nên đặc biệt giữ ấm thân thể vào mùa lạnh, ngay cả lúc ngủ hay ra ngoài, không để cơ thể lạnh đột ngột. Bên cạnh đó, cũng nên uống nhiều nước ấm, không tắm muộn hay tắm nước lạnh vào những ngày này.

4.4 Sống lạc quan

Sống lạc quan.

Stress, căng thẳng kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân hình thành các tác nhân gây đột quỵ. Căng thẳng sẽ khiến bạn hình thành nên thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, bia, mất ngủ kéo dài. Điều đó dễ gây cao huyết áp, mất ngủ và tuần hoàn máu không lưu thông tốt.

4.5 Không rượu bia, thuốc lá

Không sử dụng rượu bia và các chất kích thích.

Thường xuyên sử dụng các chất kích thích là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng dẫn đến đột quỵ. Một kết quả được nghiên cứu từ Đại học London và Đại học Hong Kong chỉ ra rằng, mỗi ngày một điếu thuốc sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 48%. Bỏ thuốc lá từ 2-5 năm, tỷ lệ đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa từng hút thuốc. Cũng theo đó, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đăng tải trên tạp chí Stroke rằng những người uống trung bình 2 ly rượu một ngày (hơn 3 đơn vị rượu/ngày) có nguy cơ đột quỵ cao hơn 34% với những người uống trung bình ít hơn nửa ly/ngày.

Vì thế, bạn cần từ bỏ rượu, bia, thuốc lá ngay từ bây giờ nhằm phòng tránh căn bệnh đột quỵ cực kỳ nguy hiểm này.

4.6 Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kì.

Đây không những là cách phòng ngừa tai biến đột quỵ mà còn có thể tầm soát các bệnh lý trong cơ thể. Những bệnh nhân mắc các bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường… nên đi khám thường xuyên để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe. Từ đó, mỗi cá nhân có các biện pháp thích hợp ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng, nếu có.

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh đột quỵ, để có thể dễ dàng phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những di chứng về sau.Mong rằng qua 6 cách phòng chống đột quỵ cực đơn giản tại nhà ở trên, mỗi cá nhân có thể trang bị cho riêng mình kiến thức thật tốt để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Hãy theo dõi Nhà Thuốc tây Mỹ Kim để có thể quan tâm đến sức khỏe của mình hơn nhé!

Previous articleCó nên thay thế Omega 369 cho Omega 3 không?
Next articleCơ chế giải rượu của Khúng khéng (Hovenia dulcis Thunb)